Ở Việt Nam, có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu lý thuyết
và thực tiễn liên quan đến vấn đề đặc điểm nhân cách người phạm tội và phòng ngừa,
đấu tranh chống tội phạm giết người.
Mặc dù với những góc độ, phạm vi nghiên cứu khác nhau, nhưng
khái quát có thể thấy các công trình đã đề cập nhiều nội dung về đặc điểm nhân
cách đối tượng phạm tội và hoạt động phòng, chống tội phạm giết người. Các đặc
điểm đối tượng phạm tội giết người được
phản ánh như: đa số trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, có hệ thống nhu cầu,
giá trị lệch lạc, có thái độ thiếu tôn trọng các lợi ích xã hội, lợi ích người
khác, động cơ phạm tội giết người phổ biến là do mâu thuẫn thù tức, giết người
để cướp tài sản, để thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác, do mê tín dị
đoan. Trong thực hiện tội phạm thể hiện quyết tâm cao nhằm đạt mục đích phạm tội.
Liên quan đến nội dung này, chúng ta hãy cùng tham khảo thêm
về cách tiếp cận vấn đề của các nhà nghiên cứu nước trên thế giới.
C. LomBroso thì cho rằng nguyên nhân tội phạm nằm ngay trong
chính cá nhân người phạm tội, trong bản chất sinh vật của họ. Thế nên ông khẳng
định rằng từ chỗ nghiên cứu những đặc điểm sinh vật học cá nhân của người phạm
tội có thể rút ra nguyên nhân tội phạm. Ban đầu C. Lombroso khẳng định một kẻ
phạm tội là một tên tội phạm bẩm sinh, đã phạm tội ảnh hưởng của những đặc điểm
về cơ thể sinh học là do ảnh hưởng của sự hiện diện trong người nó những nét
sinh vật dã man, nguyên thủy hoặc ảnh hưởng của bệnh động kinh hoặc do ảnh hưởng
của sự hư hỏng đạo đức. Bằng cách khảo sát 1000 đối tượng phạm tội (chủ yếu là
giết người, hiếp dâm và trộm), ông đã nên những biểu hiện đặc biệt về nhân chủng
học, cơ thể học, sinh lý học và tâm lý học mà những đặc điểm này hình như vốn
chỉ có đối với kẻ phạm tội. Về sau, ông đã đưa ra những nhân tố vật lý và xã hội
để thêm vào các nhân tố sinh học.
Nhà nghiên cứu Albert cho rằng đâu đó trong tâm lý của kẻ phạm
tội diễn lại những nét của thế giới động vật, phản ánh trong tác phong hành động
những quá trình bình thường của tự nhiên như giết người và trộm cắp.
Nhà tội phạm học Mỹ W.H.Sheldon tiến thành phân loại cấu tạo
hình thể con người thành ba loại: endomorph (tròn, béo, mềm), ectomorph (gầy yếu,
mong manh), mesomorph (cơ bắp, lực lưỡng).
Ông đã chứng minh mối liên hệ giữa các hành vi cá nhân với kiểu loại cơ thể.
Ông cho rằng loại mesomorph gần với dạng phạm tội, nhất là các tội phạm về bạo
lực, bởi vì loại cơ thể này rất dễ bị kích động, dễ dàng nổi nóng. Lý thuyết
này lại được tiếp tục phát triển bởi Eleanor và Sheldon Glueck trong công trình
nghiên cứu đã cho thấy ở trẻ em phạm tội, tỷ lệ loại mesomorph đặc biệt cao.
Một số nhà khoa học đã tìm thấy vùng thần kinh điều khiển sự
gây hấn của con người. Trong một thực nghiệm, người ta gắn một điện cực gây ức
chế ở một điểm trên não bộ của khỉ- vùng Amigdala. Mỗi khi con khỉ hung hãn
đáng sợ, người ta nhấn nút điện và nó trở
nên bớt hung hãn: Như vậy, amigdala là nơi phát sinh những biểu hiện của hành
vi hung tính. Khi vùng amigdala này bị ức chế (ngăn cản), biểu hiện thù địch giảm
xuống. Sự hoạt hóa trên não đối với con người cũng hoạt động như vậy. Sau khi
nhận một kích thích điện vào hạnh nhân (một phần của hạt nhân não), một phụ nữ
đã điên lên và đập mạnh cây đàn của cô ta vào tường, mặc dù trước đó cô ta được
xác định là không hề có bệnh sử về tâm thần và ngay khi có biểu hiện hành vi
trên, cô ta cũng không có triệu chứng tâm bệnh.
Cũng tương tự như vậy, những nghiên cứu khác về những kẻ giết
người và giết người hàng loạt trong tù, các nhà nghiên cứu đã xác nhận sự bất
thường của não có thể dẫn tới những hành vi gân hấn bất thường. (David và những
cộng sự, 2000; Lewis, 1998; Pinus, 2001)
Jame Dabbs và cộng sự (1939) đã tìm thấy một lượng
testoterone lớn trong máu của một tên sát nhân hàng loạt . Tiêm chất
testoterone sẽ làm tăng tính hiếu chiến của động vật và ở con người cũng có kết
quả tương tự. Khi tống tù những kẻ có lượng testoterone cao hơn, chúng thường
vi phạm luật lệ nhà tù nhiều hơn. So sánh trong một trường đại học người ta thấy:
những sinh viên khó bảo, vô trách nhiệm xã hội thường có lượng testoterone
trung bình cao hơn những sinh viên bình thường khác.
Năm 1965, P.Jacobs báo cáo có một tỷ lệ nhỏ nhưng có ý nghĩa
những người đàn ông mang nhiễm sắc thể XYY được tìm thấy trong những tên tội phạm.
Qua đó cho rằng: những người đàn ông mang nhiễm sắc thể XYY thường dễ phạm tội
và giải thích do cấu tạo nhiễm sắc thể đặc biện này nên nam tính quá mạnh dẫn đến
các hành vi bạo hành, giết người… Tại Mỹ,
cũng từ trường hợp Richard Speck, một người đàn ông đã giết chết liên tiếp bảy
nữ ý tá ở Chicago, khi xét nghiệm, người ta thấy người đàn ông này thừa 1 nhiễm
sắc thể Y
Verkho đem so sánh sự phạm tội giữa các chủng tộc trong một
quốc gia, như ở nước Nga cho thấy trong thời gian 1908- 1912 người Acmeni phạm
nhiều tội về sinh mạng nhất. Theo nghiên cứu của Hooton và Verdun, “Tất cả các
chủng tộc đều có người phạm tội, chỉ khác nhau về các tội phạm bất đồng được ưa
chuộng”. Như dân da đen đứng đầu về tội giết người, dân Bắc Âu về các tội giả mạo
và tội trộm. Theo G.Lsuermondt, căn cứ vào các thống kê hình sự ở Hà lan từ
1911 đến 1915 nhận thấy người Do Thái ít phạm tội hơn các tôn giáo khác, nhất
là các tội về bạo động, vũ lực.
E.Ferri, trong các công trình nghiên cứu về tội phạm, đã đề
cập một số yếu tố liên quan đến nhân cách đối tượng phạm tội giết người, như
cho rằng các tội xâm phạm nhân thân, trong đó có tội giết người ở các xứ nóng xảy
ra nhiều hơn các xứ lạnh do tính cách con người ở các xứ nóng thường nóng nảy,
thiếu điềm tĩnh, ở những nơi nào mà tình trạng tự tử nhiều thì tội phạm giết
người xảy ra (ít và ngược lại) do mối quan hệ giữa hai hiện tượng xã hội này dường
như được quyết định, giải thoát các bế tắc, các mâu thuẫn trong cuộc sống.
Theo Quetelet, do sức mạnh của phụ nữ bằng phân nửa sức mạnh
nam giới cho nên hệ số phạm tội của nữ bằng phân nửa nam giới. Có một điểm chắc
chắn là sự phạm tội của phụ nữ không thiên về sức mạnh thể chất. Các nghiên cứu
của Granie (Pháp), O.Galet (Bỉ) … cho thấy
đối với tội phạm xâm phạm nhân thân, hành vi của phụ nữ thiên về đầu độc.
Theo Coly, tội giết người đạt tỉ lệ tối đa vào lớp tuổi 20 đến
25, rồi giảm rất nhiều từ tuổi 30 (trong khi tội cướp có mức tối đa vào lớp tuổi
20 đến 25, rồi giảm rất nhiều từ tuổi
50, tội trộm đạt mức tối đa vào lớp tuổi 20 đến 25 rồi giảm rất chậm trong những
lớp tuổi sau, các tội dâm dục xảy ra rất nhiều vào lớp tuổi 30 đến 35 và đạt mức
tối đa vào khoảng tuổi 40 đến 45)
Dưới góc độ tâm lý học, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập tới
tâm lý người phạm tội và bị tác động bởi nhiều yếu tố đến từ hai môi trường:
môi trường vi mô và môi trường vĩ mô. Một điều hiển nhiên, Tâm lý người phạm tội
giết người cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, người
viết muốn đề cập tới một đặc trưng khác biệt mà các nhà tâm lý học, cụ thể là
tâm lý học thực hành lâm sàng đã nghiên cứu và đưa ra quan điểm tương đối xác
thực và rất đáng lưu tâm: Hình ảnh bản thân và bản sắc âm tính
Bản sắc cá nhân hay bản sắc tâm lý là khả năng tự suy ngẫm,
tự ý thức. Con người thường đạt được những bản sắc của họ thông qua những công
việc họ làm và những đối tượng mà họ đồng nhất bản thân họ với chúng.
Ở những đặc trưng khác biệt này, dường như việc thêm vào sự
xuất hiện thường xuyên hình ảnh bản thân tiêu cực ở những kẻ phạm tội mãn tính
là thích đáng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu về hình ảnh bản thân của những kẻ
phạm tội đã được thực hiện ở Châu Âu cũng như ở Mỹ. Để bị thuyết phục về điều
trên, chỉ cần tham khảo các tóm tắt của các công trình này, có xu hướng xác nhận
sự tồn tại của một hình ảnh bản thân tiêu cực ở kẻ phạm tội. Các kết quả tương
đối tập trung nhưng không mang tính hệ thống, chúng phụ thuộc vào nhóm khách thể
nghiên cứu cũng như công cụ được sử dụng trong nghiên cứu.
Thực hành lâm sàng có một trọng lượng nhất định đối với quan
điểm này, bởi không khó tìm thấy trong những kẻ phạm tội, những cá nhân sống
như những kẻ lêu lổng, hư hỏng, thất bại ở mọi phương diện của cuộc sống, tốt
chẳng để làm gì… Hơn nữa, các lý thuyết về sự lên án củng cố thêm ý tưởng cho rằng
xã hội áp đặt cho kẻ phạm tội một tri giác tiêu cực về chính bản thân mình và tạo
ra một “dự báo làm vừa ý bản thân”: “Tôi sẽ trở nên xấu xa xứng tầm với tiếng
tăm của tôi”.
Nhiều nghiên cứu xem hình ảnh bản thân như một trong những
thành tố cấu thành nên bản sắc. Vì thế việc nhắc lại ở đây lý thuyết của
Selosse (1980) về sự đồng nhất âm tính là hợp lý. Khi đã trải qua những thất bại
ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ở lĩnh vực học đường và nghề nghiệp, cá
nhân có sự suy giảm giá trị bản thân tương ứng với sự ghi nhận truyền thống về
một hình ảnh bản thân âm tính. Tuy nhiên Selosse đã tiến xa hơn và cho rằng có
một tiến trình đồng nhất thực sự được bắt đầu nhằm hình thành nên một bản sắc
âm tính. Sự đồng nhất diễn ra ở tất cả những ai có các nét nhân cách giống
nhau, ở tất cả những người “ ngoài vòng pháp luật” và phạm pháp, và cá nhân vì
thế chấp nhận những hành vi ứng xử lệch chuẩn nhất, mang tính quả quyết nhất của
bản sắc mới này. Tìm thấy một sự phản kháng mang tính hằn thù, sự đối lập, sự
gây ấn, nhằm mang đến cho mình một vị trí nào đó trong xã hội và nắm giữ một
vai trò nào đó trong xã hội dưới hình thức tiêu cực. Các nguyên mẫu chính là
“những kẻ bạo ngược”, khẳng định sự kết liễu xã hội, (mort social) và là những
người sẵn sàng phạm tội bởi cái chết là cách duy nhất để họ tồn tại. Họ có thể
giết người bởi họ không còn sợ bị giết chết nữa. Một số lớn “những kẻ giết người
hàng loạt” thuộc kiểu hình này.
Đặng Xuân Quỳnh - TT BDCD và GV
Ths Lê Thu Trang - Bộ môn Tâm lý